Ngoài tín dụng, thị trường bất động sản đón dòng vốn từ trái phiếu và vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, thị trường được dự báo sớm khởi sắc trở lại.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng , tính đến 31/5, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, nguồn vốn cho bất động sản được bổ sung bởi trái phiếu . Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu.
Trong quý II vừa qua, số liệu báo cáo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu về thị trường trái phiếu cho thấy trái phiếu bất động sản đã có xu hướng phát hành tăng trở lại, doanh nghiệp giảm bớt áp lực nợ đáo hạn so với quý trước.
Thị trường bất động sản đón nhiều dòng vốn ngoài tín dụng.
Ghi nhận trong tháng 6 năm nay, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 62 lô trái phiếu, mang về 68.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm ngành xây dựng/bất động sản huy động khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm 12%.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện giải ngân ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Vốn đăng ký cấp mới có 1.538 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,89 tỷ USD, chiếm 19,9%; nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,99 tỷ USD, chiếm 14,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, chiếm 9,3%.
Số liệu trên cho thấy Việt Nam vẫn là khu vực quan tâm và hấp thụ lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ hệ số rủi ro tín dụng bất động sản công nghiệp từ 200% xuống 160%, khuyến khích các nhà băng cho vay. Nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhiều trong phân khúc này.
Sự thông suốt của dòng tiền là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy bất động sản công nghiệp đang “thăng hoa” và dẫn đầu các phân khúc. Điều này cũng lý giải vì sao dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục chảy mạnh, tác động tích cực đến phân khúc được dự báo tiếp tục là tâm điểm trên thị trường bất động sản.
Bất động sản công nghiệp đang cho thấy tiềm năng vượt trội, tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện mình để giành phần thắng.
Ngoài bất động sản công nghiệp, các phân khúc khác như căn hộ, thấp tầng đất nền hút dòng vốn lớn.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch BHS Group – phân tích, khi 3 bộ luật mới là Luật Đất đai , Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, thị trường sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, mặt bằng giá các sản phẩm bất động sản sẽ tăng cao. Vì vậy, hiện nay dòng tiền đã bắt đầu chảy vào những sản phẩm đã hoàn thiện về pháp lý và có giá phù hợp.
“Hiện bất động sản thấp tầng pháp lý sạch và đất đấu giá tại các tỉnh đang là những sản phẩm được nhà đầu tư nhắm tới như một kênh tích sản an toàn. Phần lớn nhà đầu tư đếu muốn mua lúc này để có lợi thế về mức giá lẫn cơ hội tăng giá sau này”, ông Tuyển cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hiện nay, nguồn vốn cho thị trường bất động sản có đặc điểm là quy mô lớn. Ông Hiển phân tích thêm, theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/7 lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Ông Hiển cho rằng việc lãi suất giảm không phải là phương án lâu dài để hút vốn vào lĩnh vực bất động sản. “Nguồn vốn tín dụng ngân hàng càng không thể trở thành nguồn vốn chủ lực cho thị trường bất động sản về cả mặt kỳ hạn, chi phí vốn vay lẫn ràng buộc về tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp”, ông Hiển nhấn mạnh.